CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_13
Harun vỗ vỗ vai Mahar. Mahar thụp xuống im lặng. Mắt của nó nhìn chăm chăm xuống dòng Buta và đầm lầy đầy hoa huệ tây. Chúng tôi đứng lên thu dọn đồ đạc, và sửa soạn về nhà. Trước khi chúng tôi rời chỗ đó, Syahdan quyết định lấy ống nhòm đồ chơi bằng thủy tinh đeo trên cổ ra thử. Nó dõi mắt dọc theo bờ sông Buta. Chúng tôi đang lục tục rời chỗ tảng đá thì nghe tiếng thét lạc giọng của Syahdan. Tiếng hét của định mệnh.
“Nhìn kìa, cây xoài trên bờ sông ấy.”
Ngay lập tức Mahar chộp lấy ống nhòm từ tay Syahdan. Nó chạy tới sát rìa tảng đá trông xuống. “Có một cái lều!” nó nói giọng phấn chấn. “Mình phải xuống đó!”
Những đứa còn lại đều bất ngờ với ý tưởng rồ dại của nó. Kucai, vẫn ngậm miệng từ nãy đến giờ, nghĩ sự ngớ ngẩn của Mahar đã vượt quá giới hạn. Với tư cách là lớp trưởng nó cảm thấy cần có trách nhiệm.
“Mày sao thế, điên à?!” nó quát lên. Ánh mắt của nó đanh lại đậu xuống Harun lúc đấy đang đứng cạnh Mahar mồm há hốc.
“Để tao nói cho mày nghe, đồ cứng đầu. Không thể nào có một cánh đồng dưới đó được. Chẳng người đầu óc bình thường nào lại trồng trọt ngay bên bờ sông Buta này, trừ phi họ muốn chết lãng nhách!”
Mahar lạnh lùng nhìn Kucai.
“Động não đi! Nào, về nhà nào!” Kucai kết thúc bài thuyết giáo của mình như thế.
Mahar không động đậy, Harun, thành viên lớn tuổi nhất, nhẹ nhàng khuyên nó, “Nào, về nhà đi… cái núi này đã ăn mất một đứa rồi đấy. Nào, Mahar, về nhà nào.”
Mahar dường như chẳng quan tâm. Và khi chúng tôi dợn bước đi về, Mahar điềm tĩnh nói, “Tụi mày về hết cả đi, tao xuống đó một mình.”
Và thế là chúng tôi cùng xuống dưới đó, mặc dù chúng tôi biết chẳng thể nào tìm thấy Flo dưới đó được. Chúng tôi rủa thằng Syahdan vì tự nhiên lại nổi hứng nhìn qua cái ống nhòm đồ chơi đó làm gì không biết. Chính Syahdan cũng thấy hối tiếc. Nhưng hối tiếc gì thì cũng đã quá muộn.
Vậy nên chúng tôi xăm xúi tiến vào lãnh địa tử thần – chỗ cát lún sông Buta – chỉ để hộ tống Mahar. Chúng tôi theo nó để thỏa mãn cái tôi của nó và bảo vệ nó khỏi sự ngu dốt của mình. Chúng tôi ghét sự sùng bái của nó dành cho pháp sư Tuk Bayan Tula, nhưng dù gì nó vẫn là bạn của chúng tôi, một thành viên trong đội Chiến binh Cầu vồng. Nếu không tìm thấy Flo, tôi nguyện sẽ là người đầu tiên táng cho thằng Mahar một cú vào đầu. Chà, tình bạn đôi khi có những đòi hỏi thế đấy và bạn bè cũng đành phải làm những việc chẳng đặng đừng. Bài số năm: Đừng bao giờ kết bạn với những ai sùng bái pháp sư.
Và khi chúng tôi đi xuống, đứa nào cũng cảm thấy rõ một điều rằng hóa ra những lời đồn đại lâu nay về bầu không khí rợn người của sông Buta quả không ngoa. Chúng tôi đi vào một lãnh địa lộ vẻ thù nghịch rõ ràng với người lạ. Nó giống như một nơi do những sinh vật hoang dã, kỳ dị và dữ tợn cai quản. Dòng nước bùn đặc quánh bên dưới đám cọ thấp trông giống như vương quốc của quỷ và là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại ma quỷ sinh sôi. Những con thằn lằn đủ loại kích cỡ bò khắp xung quanh, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến sự có mặt của chúng tôi, và không có chút sợ hãi nào đối với con người – vài con thậm chí còn tỏ vẻ muốn tấn công nữa chứ.
Có lẽ chẳng mấy người từng đặt chân đến nơi này, và chắc hẳn những kẻ xuẩn ngốc nhất trong số đó chính là chúng tôi. Chúng tôi đi từng bước cẩn trọng cảnh giác, thật êm thật nhẹ. Chúng tôi lấy tất cả dao rựa lận trong xà rông ra và đứa nọ bám sát đứa kia làm thành một hàng. Chúng tôi nghe thấy tiếng quẫy đạp mạnh dưới nước kèm theo tiếng đớp. Ấy là âm thanh phát ra từ cú táp miệng của một con cá sấu to không tưởng tượng nổi. Lũ rắn vẫn thản nhiên treo mình đung đưa trên mấy nhánh cây.
Cái lều cách chúng tôi khoảng một trăm mét. Chúng tôi càng đến gần, nó càng hiện ra rõ ràng và bí hiểm hơn – quả thật nó được dựng lên trên một cánh đồng hoang. Ai mà cả gan đến vậy không biết, dám trồng trọt tại một nơi như thế này chứ?
Cánh đồng nằm ngay bên bờ sông Buta. Rõ ràng là rất nguy hiểm. Chủ nhân của nó hẳn muốn cánh đồng nằm gần nguồn nước mà không để ý đến sự an toàn cho bản thân. Ngốc thật. Có lẽ ông ta đã bị chính sự ngu dốt của mình giết chết mất rồi, thế nên giờ cánh đồng mới bị bỏ hoang thế này. Dù gì thì gì, dù ông ta là người như thế nào thì rõ ràng hiện giờ ông ta cũng không thể cày xới trồng trọt gì được vì khắp nơi nhan nhản những sinh vật gây hại cho cây trồng. Lũ khỉ và bọn sóc hoành hành thoải mái trên cánh đồng này.
Có gì đó khiến chúng tôi chú ý: một nhánh cây doi gần cái lều đang rung chuyển dữ dội, như muốn gãy. Rõ ràng có một con khỉ đuôi dài háu ăn đang leo trèo nhảy nhót lên đó.
Chúng tôi rón rén đến gần cây doi và nghĩ cách tấn công nó. Con khỉ đang mải mê với mấy quả doi và hơn nữa lại bị cành lá sum suê bao quanh nên nó không thấy chúng tôi tiến tới gần. Chúng tôi càng tới gần, những nhánh cây càng rung lắc dữ dội. Con khỉ rung cành, khiến cho quả xanh rơi lộp bộp xuống đất – thật phá phách không chịu nổi. Chúng tôi muốn tận tay bắt nó và dọa nó một tí; chỉ để giải trí chút đỉnh trong suốt cuộc tìm kiếm Flo đầy tuyệt vọng chán chường này.
Chúng tôi chạy cả lại đứng dưới tán cây và hét ầm ĩ để khiến nó giật mình chơi. Nhưng ngay khi chúng tôi vừa hét lên, tình huống đã hoàn toàn đảo lộn. Không phải nó giật mình mà là chúng tôi, đứa nào cũng đứng như trời trồng mồm há hốc cứ như thể cả đời chưa từng thấy chuyện gì đáng ngạc nhiên đến thế, vì đang vắt vẻo trên mấy nhánh cây là một con khỉ trắng lém lỉnh, nó ngồi như đang chơi trò chơi cưỡi ngựa. Có vẻ như nó mới thức dậy và chưa kịp rửa mặt. Nó phá lên cười khi thấy lũ chúng tôi mặt xanh mày xám chẳng hiểu mô tê gì. Flo, con nhóc tinh quái, đã được tìm thấy như thế!
Chương 23 - Khuôn mặt anh luôn ẩn hiện khắp căn phòng TRONG MỘT CUỐN SÁCH, tôi thấy ông cưỡi ngựa, cúi rạp xuống ôm lấy bụng nó như Kublai Khan. Mắt ông sáng quắc lên như thể ông đã bị một ngọn giáo đâm xuyên vào tim. Tôi thấy máu trong người nóng lên khi đọc đến đoạn ông lén lút bò về phía con nai đực sừng tấm Bắc Mỹ. Tôi không thể chịu nổi khi phải lật đến trang cuối, khi ông nói ông sẽ không chấp nhận tình yêu của những người đàn bà mang hai dòng máu Tutuni và Chimakuan. Tất cả là vì ông muốn gìn giữ dòng máu thổ dân Pequot chảy trong huyết quản mình – và điều đáng buồn nhất là ông là người duy nhất còn sót lại của bộ lạc mình.
Và vậy nên ông lang thang khắp những đồng cỏ mênh mông của vùng Yellowstone, một mình cưỡi trên con ngựa không yên. Khi ông hú lên cả ngày và nhảy múa để thách thức mặt trời, thị lực của ông bắt đầu yếu dần. Ông bò xung quanh, khấn nguyện để một người vợ thuộc bộ lạc của ông xuất hiện giữa đám sói đồng cỏ Bắc Mỹ, đúng y như cách các vị thần đã sản sinh ra phụ nữ Suquamish. Nhưng rồi thời gian chỉ mang lại cơn gió và phản bội ông không chút thương tiếc. Ông trở nên già nua. Và khi thần Chết thực nhiệm vụ của mình, ông lìa trần khi vẫn còn trai tân. Sáng hôm ấy, bầu trời chào đón dòng máu thuần chất Pequot với vòng tay rộng mở.
Ấy là một câu chuyện đầy mê hoặc. Tôi không bao giờ thấy chán, cho dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Không hiểu sao cách thể hiện câu chuyện khiến tôi cảm thấy như mình có mặt trong đó, tôi thấy mình ở giữa thảo nguyên bát ngát Yellowstone, cho dù thậm chí tôi còn chẳng biết nơi ấy là đâu.
“Ấy là sức mạnh của văn chương,” bác đưa thư bảo.
Văn chương, tôi tự hỏi, là thứ gì?
Suốt những kỳ nghỉ hè, chúng tôi thường đến giúp bác đưa thư nơi ngôi làng nghèo khổ của chúng tôi. Bác làm việc một mình, bắt đầu sau buổi cầu kinh subuh lúc rạng sáng, quản lý bưu điện và hàng ngàn lá thư. Buổi chiều bác nhận thư, bưu phẩm và phiếu chuyển tiền. Buổi tối, bác mở cửa bưu điện và phân loại thư từ; rồi bác lên xe đạp giao thư khắp làng. Đôi lúc công việc này kéo dài cho đến đêm khuya. Công việc của một người đưa thư thật mệt nhọc.
Tôi thấy tim mình trĩu nặng khi mường tượng đến sự vất vả của công việc ấy. Tôi cố dậy lúc nửa đêm để nguyện cầu thật tha thiết. Tôi nhắm nghiền mắt lại:
Thượng đế ơi, con chưa biết đặt mục tiêu gì cho tương lai. Nhưng khi con lớn lên, xin Thượng đế rủ lòng thương, đừng cho con phải làm công việc một người đưa thư nhé, và đừng phải làm bất cứ việc gì phải bắt đầu vào lúc rạng sáng. Con hứa với Người, con sẽ không bao giờ treo xe đạp của thầy giáo dạy kinh Koran lên cây bantan nữa.
Sau lần cầu nguyện như thế, Kucai, Mahar và Samson chẳng hiểu mô tê gì khi tôi không chịu tham gia cái trò treo xe đạp của thầy Taikong – thầy giáo dạy kinh Koran - ở thánh đường al-Hikmah nữa.
Bác đưa thư cho chúng tôi ít tiền để trả công vác bao thư và cho chúng tôi đọc những câu chuyện về thổ dân Yellowstone. Những cuốn truyện hẳn là của các học sinh trường PN đã trở về Java hay nơi nào đó. Những cuốn truyện không người nhận được bưu điện giữ lại.
Làm việc tại bưu điện là hoạt động hè của chúng tôi. Buổi tối, chúng tôi ngủ lại thánh đường al-Hikmah. Ở thánh đường, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện. Chúng tôi không bao giờ thấy chán khi kể đi kể lại câu chuyện về cái ngày chúng tôi đi tìm con nhỏ Flo ở núi và mẩu tin chính xác của Tuk Bayan Tula. Đó là lần đầu tiên Mahar biểu diễn một động tác mà sau này trở thành dấu hiệu đặc trưng của nó, động tác nó thường làm mỗi khi nó cảm thấy mình đúng: nó vừa nhướng mày, vừa nhún vai vừa gục gặc đầu, giống như chim cánh cụt. Thật dễ ghét.
Một ngày, khi đang giúp bác đưa thư cho thư vào bao, tôi kinh ngạc khi trông thấy có một lá thư đề địa chỉ của tôi và tên người nhận là tôi: Ikal.
Tôi lẩn ra đằng sau bưu điện, ngồi dưới tán cây rambu-tan và mở lá thư ra. Tim tôi đập rộn ràng. Một bài thơ:
Mong đợi
Tình yêu thực sự khiến lòng em run rẩy
Giây phút anh đưa mắt về hướng em đang đứng
Tại buổi lễ giật đồ vào ngày định mệnh ấy
Khiến em không ngủ được
Vì khuôn mặt anh luôn ẩn hiện khắp căn phòng
Anh là ai
Người em mộng tưởng suốt ngày?
Anh chỉ đơn thuần là một chàng trai phiền toái
Nhưng, dẫu có là thế, chính anh
Là người em đợi mong
Njoo Xian Ling (A Ling)
Mắt tôi nhìn như chọc thủng trang giấy ấy. Tay tôi run lên bần bật. Tôi đọc lại lần nữa và một linh cảm đắng cay len vào tim tôi. Tôi vừa hạnh phúc nhưng lại vừa buồn bã ghê gớm – như thể có điều gì đó kinh khủng sắp sửa xảy đến với tôi. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Tôi trông thấy hàng rào bưu điện dần dần biến thành những cái chân kẹp chặt vào nhau. Ở khoảng giữa hai cái chân có một người đàn ông ngồi xổm bên xác một con cá sấu mất đuôi. Ông nhìn tôi. Nước mắt giàn giụa trên má đầy rỗ hoa.
Chính lúc đó, tôi đã hiểu nỗi đau đến nhói lòng từng tấn công pháp sư cá sấu Bodenga khi tôi chứng kiến ông trên sân bóng chày của trường quốc gia cách đây nhiều năm; một sự kiện đau buồn đã ăn sâu vào tâm trí non nớt của tôi. Đó là một chuyện buồn luôn trở lại trong tôi mỗi khi tôi thấy trong người khó ở. Và buổi chiều hôm ấy, sau nhiều năm, lần đầu tiên, hình ảnh Bodenga hiện về trong tâm trí tôi.
Chương 24 - Ta sẽ mang về cho em những bông hoa trên đỉnh núi NÚI SELUMAR KHÔNG CAO đến mức khủng khiếp, nhưng đỉnh núi của nó cao nhất ở Đông Belitong. Để vào được ngôi làng chúng tôi từ phía Bắc, người ta phải đi vòng qua sườn núi bên trái.
Từ xa, núi Selumar giống như một con thuyền úp ngược: sừng sững và xanh lơ. Nằm dọc theo sườn núi bên trái nhấp nhô là nhà của người Selinsing và Selumar. Họ rào sân nhà bằng hàng tre trồng khít rịt được tỉa xén thấp. Hai ngôi làng giống nhau như đúc đó bị chia cắt bởi một thung lũng sâu thẳm, cùng hồ Merantik phẳng lặng ăm ắp nước đầy.
Sức chịu đựng của con người hẳn sẽ được kiểm chứng trong suốt cuốc xe đạp leo lên con đèo ngắn nhưng rất dốc tới ngôi làng Selinsing. Thanh niên Mã Lai cố gây ấn tượng với người yêu bằng cách không bao giờ chịu hé miệng bảo cô gái ngồi sau nhảy xuống khi lên dốc mà cứ bặm môi cố đạp hết sức, cứ thế gồng mình chệnh choạng lên hết con dốc mới thôi.
Lên hết con đèo Selinsing, xe sẽ đổ dốc. Chàng thanh niên sẽ nở nụ cười khoan khoái và bảo cô người yêu ôm eo anh thật chặt, để cho cô thấy được rằng nếu chọn anh, cô sẽ có được một tấm chồng xứng đáng, người có thể che chở cho cô cả đời.
Rồi chiếc xe đạp sẽ vòng qua hai khúc cua, chạy men theo thung lũng hồ Meratik và rồi được con đèo dẫn đến làng Salumar. Và bất kỳ cô gái nào cũng sẽ thông cảm nếu người yêu cô bảo cô xuống xe, vì con đèo Selumar tuy không dốc bằng Selinsing nhưng dài hơn rất nhiều. Thế nên con đèo dẫn đến làng Selumar không phải là nơi thích hợp để chứng minh tình yêu của các chàng trai.
Mới chỉ đẩy xe lên được một phần tư con đèo thôi mà đã mệt lử rồi. Lúc này những hàng rào tre cứ như đang chờn vờn bước đi vì hai mắt bây giờ đã muốn nổ đom đóm vì kiệt sức. Càng lên gần tới đỉnh,bước đi càng nặng nề như thể bị đeo đá vào chân. Mồ hôi ròng ròng, chảy cả vào mắt, xuống tai, rồi cổ, chảy qua cả áo xuống ướt hết cả quần.
Tuy thế, khi lên được đến đỉnh – nghĩa là đỉnh của mạn trái núi Selumar như tôi nói lúc đầu – mọi nỗi mệt nhọc biến mất cả. Trải dài ngút ngàn trong tầm mắt là bờ biển Đông Belitong xanh ngăn ngắt, mây trắng giăng ngang bầu trời rực rỡ, và những hàng thông thẳng tắp.
Từ đỉnh núi, người ta sẽ thấy những ngôi nhà nằm rải rác dọc hai bên bờ khúc sông Langkang đổ ra biển, uốn lượn ngoằn ngoèo như rắn. Hai khu nhà ấy không hề có hàng tre bao quanh mà là những cánh đồng hoang um tùm cỏ dại. Càng nhìn xa ta thấy khoảng cách giữa hai khu càng lớn.
Khu dân cư nằm chệch sang hướng Tây Nam như men theo con đường chính duy nhất tiến về Tanjong Pandan. Khu cư dân tiếp tục tiến thẳng về phía Nam với những dòng nước đầy thác ghềnh của con sông Linggang huyền thoại cuộn về cửa biển. Bên kia sông những ngôi nhà mọc lên san sát quanh khu chợ cũ bừa bãi và lộn xộn kinh khủng.
Nếu bạn đi dọc theo con đường này, đừng vội xuống thung lũng từ đỉnh Selumar. Hãy dừng lại nghỉ chân một lát. Hãy tựa người một lúc vào cây angsana nơi lũ sóc con đuôi vàng đang nô giỡn. Hãy lắng nghe bản hợp ca của rừng thông và bọn chim chí chóe giành mật hoa doi với bọn ong nghệ dưới ánh nắng mặt trời. Hãy tận hưởng sự hòa quyện ngọt ngào làm say đắm lòng người của núi, thung, sông và biển chốn này. Hãy nới lỏng khuy áo để hít căng lồng ngực làn gió tươi mát thoảng đưa hương của loài hoa andraeanum có cánh hình trái tim, mơn mởn tươi tốt như hậu duệ của nó mọc tít trên cao. Tên hoa được đặt dựa vào hình dáng của cánh hoa. Nhiều người còn gọi nó là Hoa Tình Yêu.
Bản thân tôi không chắc làn hương thơm ngát khiến lồng ngực tôi căng phồng lên đó là hương andraeanum hay là hương đám thực vật mọc cộng sinh cùng nó, một loài nấm có tên Clitocybe gibba – loại nấm không cuống cố vươn cái mũ thật rộng hòng che được đám rễ của họ khoai sọ. Lũ nấm này mọc rộ lên lúc thời tiết ẩm ướt, khi những luồng gió Tây cuối năm thôi về. Chúng có hình dạng mập tròn và cứng cáp.
Đội Chiến binh Cầu vồng thường đi dã ngoại trên núi Selumar nên đã hơi chán với phong cảnh nơi đây. Thường chúng tôi không cuốc bộ một hơi lên đỉnh; chỉ hơn hai phần ba chặng đường là được rồi. Thêm nữa, con đèo có kết cấu từ đá granit nên rất trơn trượt. Nhưng lần này, tôi rất hăng hái và quyết chí tiếp tục lên tới đỉnh. Tụi bạn hưởng ứng liền. Chưa có gì lạ thường xảy ra và chúng nó còn mải mê trò chuyện về phong cảnh đẹp đến sững sờ mà chút nữa thôi chúng nó được chứng kiến từ trên đỉnh núi: cây cầu vắt qua sông Linggang và những chiếc sà lan nằm sắp lớp nhau dưới chân cầu.
Nhưng tôi không quan tâm đến bất kỳ điều gì bởi vì tôi đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Nhiệm vụ bí mật đó phải được thực hiện nơi có phong cảnh đẹp ngất ngây – nơi duy nhất chỉ có ở chỗ cao nhất trên núi Selumar. Nhiệm vụ bí mật đó cũng liên quan đến những bông hoa xinh đẹp lộng lẫy chỉ mọc ở những nơi cao nhất: hoa lá kim đỏ, và nếu tôi gặp may, loài hoa muralis ngọt ngào đó vẫn còn nở rộ trong tuần này.
Tôi gọi muralis là hoa cỏ núi – cái tên do tôi tự nghĩ ra. Bởi vì loài hoa này thích tự tung phấn, nên sáu hay bảy cây con đã xâm nhập vào đồng cỏ ngựa vằn. Đài hoa cỡ ngón tay cái, vàng mơ được đỡ lên bởi cuống hoa màu xanh nhạt với kích thước không giống nhau: phóng khoáng và đáng yêu. Lá hoa không thể gọi là đẹp được bởi vì hình dáng và màu sắc giống loại trifolia thông thường. Nhưng nếu hái được chừng mười lăm cành hoa, ngắt bỏ hết lá đi, rồi đơm thành một bó – người con gái nào nhận được bó hoa này tim cũng tan chảy ra cho mà xem.
Sau ba giờ đồng hồ, chúng tôi lên được đỉnh. Tim cả đội Chiến binh Cầu vồng như vỡ òa ra trước khung cảnh trải dài ngút ngàn bên dưới.
“Nhìn trường mình kìa”, Sahara reo lên. Ngay cả khi nhìn từ xa thế này, ngôi trường vẫn toát lên vẻ đáng thương. Dù nhìn từ bao xa, từ góc độ nào thì ngôi trường chúng tôi vẫn chẳng khác gì cái nhà kho chứa cùi dừa khô.
Kucai chỉ vào một tòa nhà, “Kìa! Thánh đường Hồi giáo đấy!”
Cả bọn hét vào mặt nó, “Chùa mà, đồ ngu!”
Ngay cả khi cô Mus đã cố hết sức thì thằng Kucai, như hầu hết các chính trị gia ở xứ sở này, vẫn có chỉ số IQ vào hạng khó cải thiện.
Có hai luồng ý kiến trái ngược nhau, thế là một cuộc tranh luận chẳng đâu vào đâu nổ ra.
Như thường lệ, Mahar bắt đầu kể chuyện cổ tích. Theo nó, núi Selumar là một con rồng nằm cuộn tròn và ngủ như thế đã hàng bao nhiêu thế kỷ nay rồi.
“Con rồng này sẽ thức dậy vào ngày phán quyết. Đỉnh núi là đầu nó. Có nghĩa là ngay lúc này đây bọn mình đang đứng trên đầu nó đấy! Đuôi nó cuộn lại nơi của sông Linggang.”
A Kiong hoảng hồn.
“Vậy nên đừng ồn ào quá, nếu không thần linh quở phạt đấy,” Mahar tiếp tục, vẫn chưa thấy thỏa mãn trong việc tự biến mình thành thằng ngố.
A Kiong tiếp tục nuốt ừng ực từng chi tiết trong câu chuyện của Mahar. Để thể hiện lòng ngưỡng mộ dành cho câu chuyện bổ ích đó, nó kính cẩn dâng lên cho Mahar một quả chuối từ phần ăn mang theo của nó. Cung cách của nó hệt như người tiền sử cống nộp cho pháp sư vì đôi ơn ông ta chữa khỏi bệnh ghẻ chốc cho vậy. Mahar nhanh như chớp chộp lấy đồ cống nạp rồi tọng ngay vào mồm, hoàn toàn không hay biết gì về sức ảnh hưởng ghê gớm của mình lên thằng A Kiong. Một trận cười nổ ra khi chúng tôi chứng kiến cảnh ấy. Nhưng A Kiong mặt vẫn tỉnh bơ – đối với nó, chẳng có gì đáng cười trong chuyện này cả.
Tôi cũng không cười. Tôi lại rơi vào trạng thái u uẩn lẻ loi giữa cái không khí huyên náo ấy. Tôi không thể rời mắt khỏi cái hộp đỏ bên dưới.
Tôi tỉ mẩn tìm kiếm trên khắp các đồng cỏ trên đỉnh núi, hái những nụ hoa lá kim đỏ dại và hoa muralis rồi bó lại bằng cây bụi.
Nhìn từ trên đỉnh núi, phong cảnh thật đẹp – đẹp như một bài ca. Đoạn nhạc dạo là những chòm mây lơ lửng như thể với tới được. Đoạn xướng âm là tiếng ríu ran của bầy pri-gantil, nghe rất gần và thánh thót. Đoạn điệp khúc là hàng ngàn bồ câu ào xuống đám huệ tây mọc tràn lan bên dưới như một tấm thảm khổng lồ. Và bài ca ấy phai dần rồi mất hút đi trong cánh rừng đước.
Tôi cất công leo lên núi Selumar này cũng là vì phong cảnh hữu tình và những bông hoa say đắm lòng người ấy. Dù tôi có bị vẻ đẹp của nơi đây hút hồn đến thế nào đi nữa thì lý do duy nhất tôi có mặt trên đỉnh cao nhất Đông Belitong này chính là cái hộp màu đỏ bên dưới kia. Mái nhà của A Ling.
Chương 25 - Đá billitonite MỘT BUỔI SÁNG THỨ HAI đẹp trời. Một bài thơ được bọc trong giấy gói màu tím in hình pháo hoa. Một bó hoa hái được từ đỉnh núi Selumar, cột bằng dây ruy băng màu xanh da trời nhạt. Sắc hoa vẫn còn tươi lắm vì được cắm trong bình gốm cả đêm hôm qua.
Bó hoa và bài thơ diệu kỳ này là chất liệu làm nên tiểu thuyết diễm tình của tôi, và thiên tiểu thuyết ấy sẽ diễn ra vào sáng hôm nay. Kịch bản nằm trong đầu tôi suốt mấy tuần qua, và nó như thế này:
Khi A Ling đẩy hộp phấn ra, tôi sẽ đặt bó hoa và bài thơ lên tay cô. Không cần nói lời nào. Hãy cứ để cô thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa trên đỉnh núi ấy. Hãy cứ để cô đọc bài thơ tôi viết và cảm nhận được một phong vị gì đó thậm chí còn tuyệt hơn cả bánh vào dịp Tết Nguyên đán của người Hoa nữa.
Nghe A Miauw gọi, tôi vội chạy đến nơi ô cửa nhỏ đó. Nhưng khi chỉ còn hai bước nữa là đến, tôi đứng chết trân tại chỗ, bàng hoàng khi trông thấy bàn tay chai sần thò ra từ ô cửa – không phải bàn tay của A Ling!
Bàn tay rất kỳ dị, cứ như một lưỡi hái tử thần bằng đồng: gân guốc, cáu bẩn, đen đúa và lem luốc dầu.
Một vòng tay san hô màu đen cuộn ba vòng xung quanh lưỡi hái đó. Những đầu rắn độc pinang barik chực tấn công được chạm khắc nơi cuối chiếc vòng. Dưới cùi chỏ được thít một vòng bạc, kiểu vòng những gã khổng lồ hung bạo trong các câu chuyện wayang thường đeo. Hai đầu của cái vòng này mang hình một chìa khóa có nhiều khía, loại bọn trộm thường dùng để đột nhập vào nhà người khác thó của. Không có vết xăm nào, điều cấm kỵ trong tín ngưỡng Mã Lai, nhưng những ngón tay bị bóp nghẹt bởi ba chiếc nhẫn to vật vã.
Chiếc nhẫn trên ngón tay trỏ có đính viên đá satam lớn chưa từng thấy.
Satam là loại đá quý mới chỉ được phát hiện tại một nơi duy nhất trên thế giới: Belitong. Ngoài ra không còn nơi nào khác. Nó có màu đen bóng bởi thành phần cấu tạo nên nó gồm acid carbonic và magnesium. Nó có tỷ trọng nặng hơn thép và không thể gọt đẽo.
Đá satam nằm sâu trong những hố thiếc cũ và rất khó tìm thấy – chỉ may mắn lắm mới vớ được nó ở mãi sâu trong tâm quả đất. Năm 1922, người Hà Lan đặt tên cho satam là billitonite. Đấy là lý do hòn đảo này có tên Belitong. Theo tiếng địa phương, ấy là một tên gọi thiêng liêng, kuake.Sau này – tôi không biết tại sao, có thể để nó nghe không quá quê mùa, hay có thể vì người Mã Lai nhà quê hiếm khi dùng chữ “U” – bọn người đáng ghét nằm trong chính quyền Trật Tự Mới đổi tên mới đổi tên đó thành Belitung, đúng là hành động hết sức thô tục và tùy tiện.
Chẳng có khiếu thẩm mỹ gì cả, chủ nhân của cái bàn tay như lưỡi hái ấy lại gắn vật thiêng đó lên chiếc nhẫn bằng đồng thau rẻ tiền. Thế nhưng nó được đeo hết sức ngạo nghễ, như thể người đeo nó là chúa tể thế giới này vậy.
Ngón áp út đeo một chiếc nhẫn gắn đá akik, mới nhìn trông như thạch anh tím quý giá của Kalimantan. Nhưng tôi đâu có mù mờ đến thế. Viên đá ấy chỉ được làm từ nhựa tổng hợp và pha chế nấu nhiệt độ cao. Người đeo nó là một kẻ bịp bợm và chẳng bịp được ai ngoài chính ông ta.
Và cuối cùng, trên ngón giữa là chúa tể của tất cả những chiếc nhẫn đáng sợ nhất, thể hiện chủ nhân là một người hay làm chuyện lén lút mờ ám: một đầu lâu người to đùng ngoác cái mồm rộng hoác quái đản với hai hố mắt sâu hoắm. Chiếc nhẫn này được làm từ mẩu thép không gỉ lấy được nhờ thông đồng với đám công nhân rửa máy PN.
Quy trình biến mẩu thép không gỉ ấy sang một chiếc nhẫn khiến ai nghe cũng phải rùng mình. Sau khi giũa sơ qua bằng máy tiện cho có hình thù chiếc nhẫn, mẩu thép không thể vỡ ấy được giũa bằng tay hàng mấy tuần liền. Những lao động của PN ở cấp cu li thường làm loại nhẫn ấy. Đây là một kiểu văn hóa phản kháng bí mật đối với PN: Chiếc nhẫn đó thể hiện sự áp bức của con người. Hàng bao nhiêu tuần làm việc vụng trộm ấy không làm ra được cái gì ngoài một chiếc nhẫn sáng lóa gớm guốc. Nhưng vào chính ngày hôm nay thì những công đoạn làm ra chiếc nhẫn ấy chẳng có bất kỳ ý nghĩa nào đối với tôi cả. Còn mấy móng tay nữa chứ, eo ôi! Trời đất quỷ thần ơi, hình thù của chúng cứ như bị nguyền rủa ấy. Sự khác nhau giữa móng tay của A Ling – những móng tay mà nhiều năm qua tôi đem lòng mê mẩn quá đỗi ấy - với những móng tay này đúng là khác nhau như thiên đàng, và địa ngục. Chúng dày thô, dơ dáy, dài ngoằng không cắt tỉa gọn gàng. Mấy đầu móng tay thì lởm chởm. Trông chẳng khác nào vảy cá sấu.
Tôi đang trong trạng thái kinh ngạc tột đỉnh đó thì nghe một tiếng đập mạnh. Bàn tay đó hối thúc tôi lấy hộp phấn được chìa ra từ nãy giờ. Rồi tôi nghe thấy một tiếng càu nhàu thiếu thiện cảm. Tiếng đập ngày một lớn hơn khiến tôi đâm ra cáu. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy bực bội nhất là mình không gặp được A Ling. Cô đã đi đâu?
“Chuyện gì thế?” Syahdan hỏi khi trông thấy cái điều đã giữ tôi lại lâu đến thế. “Bàn tay ai đấy?”
Tôi nghẹn nào không nói được lời nào.
Bàn tay đó không lạ lẫm gì với tôi cả. Không của ai khác ngoài Bang Arsyad, cu li của A Miauw. Tôi nhớ lúc anh khắc đầu rắn pinang barik lên cái vòng san hô được người Sarong cho. Anh ta bảo tôi rằng phải mất ba tuần mới mài được chỗ san hô dài lấy được từ đáy biển ấy thành chiếc vòng tay ba vòng đó. Chỗ san hô, thoạt đầu dài và cứng, bị chinh phục bằng cách bôi dầu luyn và kiên nhẫn hun khói trên bếp lò.
Tiếng vỗ ngày một lớn hơn. Bang Arsyad đúng thật là vô cảm. Anh ta biết tôi đang hoang mang vì không thấy A Ling, một thói quen kéo dài đã mấy năm nay.
Syahdan lấy hộp phấn. Bang Arsyad thụt tay vào. Cái tay biến mất như một con vật lủi nhanh vào ổ.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian